Thứ Hai, 12 tháng 5, 2014

Từ ngày 1/7 xử phạt xe không lắp đặt thiết bị định vị

Thời điểm xử phạt đối với xe ô tô chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) đã được “kéo giãn” đến ngày 1/7/2013. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có thể thờ ơ với việc lắp đặt thiết bị định vị này vì lộ trình lắp đặt vẫn phải tuân theo quy định tại Nghị định 91. Cơ quan quản lý vận tải sẽ kiểm soát việc này thông qua việc cấp phép kinh doanh vận tải.
Không lùi thời điểm lắp đặt
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 33 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo Nghị định mới, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container không lắp đặt hộp đen sẽ bị xử phạt từ ngày 1/7/2013.
2 đơn vị được chỉ định thực hiện đo, thử nghiệm TBGSHT
Bộ GTVT đã có Quyết định số 1087/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2011 về việc chỉ định Viện Đo lường Việt Nam và Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 1 thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thực hiện việc đo, thử nghiệm TBGSHT của xe ô tô phục vụ cho công tác đánh giá công bố hợp quy theo QCVN 31: 2011/BGTVT của Bộ GTVT.
Việc đo, thử nghiệm để công bố hợp quy đối với TBGSHT của xe ô tô được thực hiện theo Quyết định số 1086/QĐ-BGTVT ngày 25/5/2011 của Bộ GTVT.
Dù thời điểm xử phạt lùi lại 2 năm song việc triển khai lắp hộp đen vẫn bắt đầu từ 1/7/2011. Theo đúng tiến độ, đến 1/7/2012, tất cả xe kinh doanh vận tải khách, vận tải hàng hoá bằng container sẽ phải lắp và duy trì tốt tình trạng kỹ thuật của thiết bị giám sát hành trình.
Theo số liệu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 1.500 doanh nghiệp, HTX vận tải với hơn 16 nghìn phương tiện thuộc diện phải lắp đặt hộp đen trước ngày 1/7/2011.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc lùi thời gian xử phạt là hợp lý. Bởi như vậy sẽ có đủ thời gian tuyên truyền, đủ thời gian sản xuất thiết bị hợp quy và đủ thời gian cho doanh nghiệp vận tải chuẩn bị. Việc lắp hộp đen lên xe ô tô cần có thời gian kiểm nghiệm, thẩm định chất lượng của thiết bị.
Ông Hùng cho biết đến nay dù chưa có đơn vị cung cấp thiết bị nào có dấu hợp quy trên sản phẩm nhưng họ đã đến “chào hàng” các thành viên của Hiệp hội khá nhiều.
Ông Tạ Công Thuận - Giám đốc Công ty Vinh Hiển, doanh nghiệp sản xuất lắp đặt TBGSHT cũng cho rằng, chưa xử phạt thời điểm này là hợp lý cho cả doanh nghiệp cung cấp thiết bị lẫn doanh nghiệp vận tải.
Thử nghiệm thiết bị giám sát hành trình trên xe khách
Đây là thời điểm các doanh nghiệp vận tải có thời gian chọn lựa sản phẩm, nhà cung cấp thỏa mãn yêu cầu của mình. “Thông thường, chúng tôi cho doanh nghiệp vận tải chạy thử nghiệm thiết bị trong vòng 3 tháng trước khi quyết định mua hay không”, ông Thuận nói.
Đại diện một doanh nghiệp cung cấp hộp đen ở Hà Nội cho biết, sau khi các Thông tư, Quyết định của Bộ GTVT về gắn dấu hợp quy cho thiết bị giám sát hành trình được ban hành, nếu nhanh thì đến cuối tháng 6, đầu tháng 7, các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp TBGSHT mới có thể đưa ra thị trường sản phẩm hợp quy. Do đó, có thêm thời gian, doanh nghiệp sẽ có sự đầu tư, chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, chất lượng thiết bị sẽ tốt hơn.
Thế nào là hộp đen hợp quy?
Theo Quyết định mới nhất của Bộ GTVT hướng dẫn thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia (QCVN 31: 2011/BGTVT) về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô, việc xác nhận thiết bị “hợp quy” được phân làm 2 loại.
Lộ trình lắp hộp đen với xe kinh doanh vận tải
Đến ngày 1/7/2011: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 500 km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải gắn TBGSHT.
Đến ngày 1/1/2012: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định có cự ly từ 300 km trở lên, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng phải gắn TBGSHT.
Đến ngày 1/7/2012: Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe kinh doanh vận tải hành khách hợp đồng, kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container phải lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật tốt của TBGSHT.
(Theo Nghị định 91 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô).
Thứ nhất, đối với thiết bị sản xuất, lắp ráp trong nước được tiến hành thử nghiệm mẫu điển hình, đại diện cho một kiểu, loại cụ thể của thiết bị sẽ được sản xuất, lắp ráp theo cùng một thiết kế, trong cùng một điều kiện và sử dụng cùng loại nguyên vật liệu.
Thứ hai, đối với các lô hàng nhập khẩu, sẽ tiến hành thử nghiệm đánh giá sự phù hợp mẫu đại diện của lô hàng theo các chỉ tiêu kỹ thuật quy định tại QCVN 31: 2011/BGTVT. Mẫu thử nghiệm được lấy ngẫu nhiên trong số các thiết bị thuộc lô hàng nhập khẩu hoặc lựa chọn ngẫu nhiên theo số sê-ri của thiết bị trong danh mục đơn hàng nhập khẩu.
Theo quy định, phần cứng hộp đen phải đảm bảo có bộ vi xử lý, bộ phận ghi, lưu giữ, truyền phát dữ liệu, bộ phận thu nhận thông tin lái xe; sử dụng đồng hồ thời gian thực, đảm bảo khi mất tín hiệu GPS thì vẫn có đồng hồ thời gian hoạt động bình thường; thiết bị phải kết nối được với máy tính hoặc một màn hình hiển thị các kết quả đo (vận tốc, số lần mở cửa,...).
Phần mềm của thiết bị phải có khả năng tìm, truy cập, lưu trữ, thống kê, lập bảng, biểu đồ... đối với các thông tin tối thiểu liên quan trong quá trình khai thác, vận hành của xe; đối với thông tin nhận dạng của xe và lái xe, hệ thống phần mềm chỉ có thể truy cập mà không thể thay đổi hoặc xóa bỏ...
Các doanh nghiệp vận tải khi lắp đặt hộp đen và cảm biến nhiên liệu cần chú ý xem thiết bị đó đã được đóng dấu hợp quy hay chưa. Dấu hợp quy (CR) có thể được in, đúc trực tiếp trên sản phẩm, trên nhãn hàng hóa (đối với thiết bị được sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc nhãn phụ (đối với hàng nhập khẩu) ở vị trí dễ thấy, không thể tẩy xóa, đồng thời được in trong tài liệu kỹ thuật kèm theo. Dấu hợp quy phải được thể hiện cùng một màu, có thể được phóng to hoặc thu nhỏ nhưng phải đảm bảo đúng tỷ lệ và nhận biết được bằng mắt thường.
Hộp đen “cũ” vẫn có thể sử dụng
Theo đại diện Vụ Khoa học Công nghệ Bộ GTVT, những doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã lắp đặt hộp đen chưa có tem hợp quy theo quy định cần yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp thiết bị nâng cấp, “tích hợp” đầy đủ các tính năng như yêu cầu của Nghị định 91/2009/NĐ-CP để đủ tiêu chuẩn được công bố hợp quy. Hiện nay, hầu hết hộp đen đang được doanh nghiệp sử dụng chưa đạt yêu cầu của cơ quan quản lý nhưng những thiết bị này có thể tiếp tục sử dụng sau khi nâng cấp. Theo tìm hiểu của người viết, giá thành nâng cấp hộp đen vào khoảng 300 - 700 nghìn đồng/thiết bị, tùy từng tính năng sẽ được tích hợp thêm.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Copyright © . THIẾT BỊ ĐỊNH VỊ - Posts · Comments
Theme Template by BTDesigner · Powered by Blogger