Thực tế cho thấy thị trường
thiết bị giám sát hành trình đang hoạt động khá xô bồ với đa dạng và phong phú về chủng loại,
giá cả cũng như nguồn gốc xuất xứ. Nhiều nhà cung cấp chào bán thiết bị
GSHT (đã hợp chuẩn) với giá từ 8 đến 9 triệu đồng, song cũng có rất
nhiều thiết bị bán ra trên thị trường với mức giá chỉ hơn 2 triệu đồng.
Trao đổi với Ông Vũ Trọng Phụng, Công ty CP Vận tải Hoa Nam, chúng tôi
nhận thấy hiện đang có quá nhiều công ty tham gia cung cấp thiết bị
GSHT và thiết bị
cảm biến tải trọng. Họ đến chào hàng với nhiều mức giá khác nhau, trong khi hầu hết
các doanh nghiệp vận tải đều tù mù không biết lựa chọn thiết bị như thế
nào là tốt, là đạt chuẩn theo quy định.
Trên thực tế, mặc dù Bộ
GTVT đã ban hành QCVN 31:2011/BGTVT quy định cụ thể 6 tiêu chí đối với
thiết bị GSHT lắp trên xe ô tô, nhưng nhiều nhà cung cấp thiết bị lại
sẵn sàng lừa khách hàng để kiếm lời.
Đại diện một đơn vị cung
cấp thiết bị GSHT giấu tên đã chia sẻ: “Cùng một loại thiết bị GSHT,
nhưng nhiều khi giữa sản phẩm đăng ký mẫu với sản phẩm bán ra thị trường
lại không đồng nhất. Thông thường khi đăng ký mẫu, thiết bị có 10 tính
năng, nhưng khi cung cấp cho doanh nghiệp, nhà sản xuất cắt xén chỉ còn 7
- 8 tính năng. Cách làm này vừa giúp họ tăng thu, giảm chi, vừa tạo ra
một sản phẩm giá rẻ để cạnh tranh với nhà cung cấp khác”.
Nhiều HTX vận tải mỗi xe lắp 1 loại hộp đen khác nhau với tính năng cũng khác nhau. Ảnh minh họa.
Do các doanh nghiệp, HTX vận tải không hiểu biết nhiều về khoa học -
công nghệ, không nắm rõ các quy chuẩn mới ban hành nên họ rất dễ trở
thành “miếng mồi ngon” cho các nhà cung cấp thiết bị GSHT lợi dụng.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải An Giang cung cấp cho
phóng viên về trường hợp của HTX D.V, họ có khoảng 100 phương tiện chạy
vận tải khách liên tỉnh, nhưng do không có sự thống nhất trong HTX nên
mỗi chủ xe lắp thiết bị GSHT của một hãng. “Ban đầu họ không hiểu gì,
nghĩ là lắp để đối phó, để được cấp phù hiệu, sổ nhật trình... Đến nay
khi cơ quan Nhà nước mở đợt kiểm tra thì họ mới vỡ ra là tất cả thiết bị
đã lắp đều không đủ tính năng, dù số thiết bị trên họ đang lắp của trên
10 nhà cung cấp khác nhau”.
Ông Xuân cũng chia sẻ thêm về
trường hợp của HTX vận tải thủy bộ Đoàn Kết do ông đứng đầu: “Sau khi
lắp thiết bị trên phương tiện, DN đã thanh toán đầy đủ số tiền theo hợp
đồng, nhưng sau một thời gian thấy thiết bị không hoạt động, DN gọi cho
nhà cung cấp thì họ “lật lọng” đòi thêm tiền, nói DN mới chỉ thanh toán
tiền thiết bị chứ chưa trả phí dịch vụ nên họ cắt”.
Ông Nguyễn
Văn Thạc - Giám đốc Công ty CP vận tải Nam Trực phàn nàn: “Có hiện tượng
thiết bị lắp chập chờn, lúc hoạt động, lúc không, các tính năng cung
cấp theo các tiêu chí Bộ GTVT đề ra cũng không hoàn hảo. Đa phần thiết
bị không thống kê được số lần đóng mở cửa xe ở các xe dòng cũ, không xác
định được tốc độ khi phương tiện đi vào đường đèo dốc, vùng núi... Đến
khi bị xử phạt, ai sẽ chịu cho chúng tôi?”.
Nhiều tài xế cố tình làm hỏng thiết bị GSHT để tránh bị kiểm soát. Ảnh minh họa
Thực tế, không ít trường hợp thiết bị hỏng là do người sử dụng. Ông
Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải ôtô số 2, cho biết:
“Thiết bị chỉ có lợi cho doanh nghiệp, xã hội chứ không có lợi ích gì
cho lái xe nên lái xe tìm nhiều cách đối phó, hòng thoát khỏi sự giám
sát của DN. Lái xe ỷ vào công nghệ của thiết bị chưa hoàn thiện, thường
xuyên tìm cách phá hỏng thiết bị. Trước đây, từng có thời điểm 90% lái
xe báo hỏng thiết bị nhưng khi kiểm tra mới vỡ ra là do lái xe ngắt
nguồn điện”.
Ở góc độ khác, ông ĐTA - GĐ Công ty điện tử có
tiếng cho biết: “Ngoài nguyên nhân từ nhà cung cấp, còn có thực tế là
nhiều DN, HTX vận tải không quan tâm đến trạng thái hoạt động của thiết
bị. Có trường hợp thiết bị gặp sự cố đến cả tháng họ cũng không hay
biết. Khi chúng tôi phát hiện và cử người đến sửa, thì chính bản thân DN
cũng tỏ ra không mặn mà trong việc bảo hành. Còn có những trường hợp,
không chịu đóng phí duy trì dịch vụ máy chủ hàng tháng, dẫn đến thiết bị
không thể hoạt động theo quy định Nhà nước”.
Thiết bị nhập khẩu khó đạt chuẩn
Qua đợt kiểm tra đầu tiên của Thanh tra Bộ GTVT, đã có 3 nhà cung cấp thiết bị GSHT bị rút giấy phép,
trong đó có tới 2 nhà cung cấp là đơn vị “nhập khẩu” thiết bị GSHT.
Những nhà cung cấp này chỉ tham gia vào thị trường như một khâu trung
gian để kiếm lời. Họ không có nhà xưởng, không có các kỹ thuật viên
chuyên trách nên khi thiết bị trục trặc họ cũng không thể sửa chữa được.
Ông Thái Cường Quốc, đại diện Công ty Điện tử Ánh Dương cho biết:
“Thiết bị GSHT chuẩn, nhập khẩu từ nước ngoài thường có giá cao hơn
thiết bị trong nước từ 1,5 - 2 lần. Tuy nhiên, các đơn vị nhập khẩu
trong nước sẵn sàng nhập khẩu thiết bị giá rẻ, chất lượng kém để bán
kiếm lời. Bên cạnh đó, do bản thân họ không làm chủ được công nghệ nên
khi cơ quan quản lý Nhà nước bổ sung tiêu chuẩn mới, họ cũng khó thực
hiện được”.
Vào thời điểm cách đây 2 năm, khi thị trường thiết
bị GSHT bắt đầu nóng lên với quy định bắt buộc lắp đặt thiết bị GSHT,
các doanh nghiệp ồ ạt “nhảy” vào thị trường này, bán sản phẩm thu được
một món tiền là họ biến mất khỏi thị trường. Do vậy khi cần bảo hành
hoặc nâng cấp thiết bị, chỉ có khách hàng là thiệt thòi nhất.
Trong khi đó, một số nhà cung cấp trong nước lại hướng sâu hơn vào dịch
vụ chăm sóc khách hàng và cung cấp tính năng mới cho thiết bị.
Bài toán đặt ra là các nhà cung cấp thiết bị GSHT cần tìm giải pháp hoàn
thiện về công nghệ để giúp các doanh nghiệp vận tải quản lý hiệu quả
hoạt động của phương tiện và người lái trên đường. Và đặc biệt khi cơ
quan quản lý Nhà nước kiểm tra, có thể giúp doanh nghiệp tránh được
những thiệt hại không đáng có.
website:
http://dinhvioto24h.jimdo.com/tin-tức/thiết-bị-giám-sát-hành-trình